Hiện nay, Thành phố Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó UBND thành phố đã công nhận 277 làng nghề (chiếm khoảng 12% tổng số làng nghề), còn lại các làng nghề truyền thống tập trung ở các huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ... Tuy nhiên, các làng nghề này vẫn còn manh mún, tự phát, công nghệ lạc hậu dẫn đến chất lượng chưa cao, sức cạnh tranh kém…
Theo như Quy hoạch tổng thể, phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng sản xuất của các nghề, làng nghề chiếm 9% và đến năm 2030 chiếm 12% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thành phố. Tạo việc làm cho khoảng 800 nghìn đến 1 triệu lao động nông thôn, trong đó tạo việc làm mới cho 200 nghìn lao động. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 20 đến 30 triệu đồng/năm vào năm 2015 và đạt 35 đến 40 triệu đồng/năm vào năm 2020, 50 - 60 triệu đồng/năm vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn thành phố có khoảng 1.500 làng có nghề, chiếm 65,3% số làng ở ngoại thành thành phố.
Trong phương án phát triển làng nghề, Quy hoạch sẽ ưu tiên phát triển các nghề, làng nghề có giá trị truyền thống văn hóa, khuyến khích, hỗ trợ các nghề, làng nghề phát triển theo hướng sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Không khuyến khích hỗ trợ phát triển các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất giai đoạn: 2006-2010 là 18%/năm; 2011-2015 là 20%; 2016-2020 là 20,6%/năm và 2021-2030 là 19,2%/năm. Gía trị sản xuất nghề, làng nghề đến năm 2011 là 10.111,2 tỷ đồng; năm 2015 là 21.200 tỷ đồng; năm 2020 là 54.000 tỷ đồng và năm 2030 là 313.300 tỷ đồng. Tỷ lệ giá trị sản xuất của làng nghề trong giá trị CN-TTCN là năm 2010 là 8,3%, năm 2015 là 9,5% và năm 2030 là 12%.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt yêu cầu các sở, ngành cần phải rà soát Quy hoạch, trong quá trình xây dựng phải chú trọng đến tỷ trọng tăng trưởng các năm để phù hợp với tình hình thực tế và có tính logic. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị thẩm định trước khi trình Thành phố trong tháng 6/2012.