• Cổng nhôm đúc
    cổng nhôm đúc,Cửa nhôm đúc,cổng nhà biệt thự
    www.cuanhomduc.com
  • Sản xuất cổng nhôm đúc
    Sản xuất Cổng nhôm đúc,cổng biệt thự đẹp,cổng nhà đẹp
    www.congnhadep.com
  • Hàng rào nhôm đúc
    Hàng rào nhôm đúc,hàng rào biệt thự,hàng rào hợp kim nhôm
    www.hangraonhomduc.com
  • Cầu thang nhôm đúc
    Cầu thang nhôm đúc,lan can cầu thang nhôm đúc,cầu thang biệt thự
    www.cauthangnhomduc.com

Thủ đô và Vùng Thủ đô cần được luật hóa trong Luật Thủ đô và Luật Đô thị

Thực trạng công tác luật hóa thủ đô và vùng thủ đô

Hiến pháp nước CHXHCNVN được Quốc hội khóa VIII, kỳ họp 11 thông qua ngày 15/4/1992, gồm 12 chương với 147 điều. Trong đó tại chương XI, điều 141 có nêu “Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Namlà Hà Nội”. Chương VI, điều 90 có ghi “Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội”. Không có điều nào trong Hiến pháp quy định các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ là những cơ quan quyền lực tối cao của Quốc gia sẽ được bố trí ở đâu trong thành phố Hà Nội.


Nhà hát lớn – Công trình kiến trúc sống mãi với Thủ đô (Ảnh: Tố Anh)

Ngoài Hiến pháp, các văn bản luật và dưới luật có nội dung liên quan đến thủ đô gồm có: Pháp lệnh Thủ đô, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Quyết định 490/QĐ-TTg, Quyết định 1259/QĐ-TTg, Luật Đô thị và Luật Thủ đô (đang được soạn thảo).


Thế hệ trẻ tự hào được làm công dân Thủ đô ngàn năm văn hiến ( Ảnh: Như Ý)

Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội (2000) gồm 7 chương với 28 điều. Trong đó điều 1 có nội hàm của định nghĩa về thủ đô, đó là “thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và là nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng nhất của đất nước”. Tuy nhiên, không có điều nào quy định trung tâm của TP. Hà Nội và trụ sở các cơ quan của TP. Hà Nội có đặt cùng khu vực trung tâm quốc gia, các bộ ngành Trung ương hay không, và các cơ quan này cấp quốc gia này có nhất thiết chỉ đặt tại khu vực nội thành hay có thể đặt tại khu vực ngoại thành. Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội vừa qua có quan điểm cho là “dời đô” khi dự kiến đặt trung tâm hành chính ở Ba Vì (ngoại thành) còn trung tâm chính trị ở Ba Đình (nội thành).

Có thể thấy sự phân chia không gian theo chức năng ở một số nước trên thế giới. Ví dụ ở Australia, tại thủ đô Canberra, trung tâm thủ đô quốc gia và trung tâm thành phố Canberra được quy hoạch ở hai khu vực khác nhau. Cộng hòa Nam phi hiện có 3 thủ đô: Quốc hội đặt ở Cape Town (tỉnh Cape), Trung tâm hành chính đặt ở Petoria (tỉnh Transvaal), Tòa án tối cao đặt ở Bloemfontein (tỉnh Orange Free State). Tại Malaysia cũng có thủ đô hành chính Putrajaya được xây dựng từ giữa thập niên 90 thế kỷ XX, nằm cách thủ đô Kuala Lumpur 30 km về phía Nam.


Làng chài trên sông Hồng – dấu ấn văn hóa có từ ngàn đời (Ảnh: Thùy Anh)

Luật Quy hoạch đô thị (2009) gồm 6 chương với 76 điều. Luật QHĐT không quy định riêng về quy hoạch thủ đô mà xem quy hoạch Hà Nội là quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy quy trình là có ý kiến của HĐND và tờ trình của UBND và Bộ Xây dựng là Thủ tướng có thể phê duyệt. Mặc dù trong thực tiễn, Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội có xin ý kiến cuả Quốc hội và Bộ Chính trị do tầm quan trọng của Hà Nội là thủ đô quốc gia, song chưa có bộ luật nào (kể cả hiến pháp) quy định về việc này.

Luật Xây dựng được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003, gồm 9 chương với 123 điều. Chương II có quy định về quy hoạch đối với vùng có từ 2 tỉnh trở lên là vùng liên tỉnh. Như vậy QHXD vùng thủ đô Hà Nội đang được điều chỉnh (gồm TP Hà Nội và 8 tỉnh lân cận) là loại quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh. Song không có quy định cụ thể nào về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng thủ đô thì có gì khác với quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh bởi thủ đô là đô thị quan trọng nhất trong vùng này. Cũng không có quy định nào về các trung tâm của thủ đô chỉ bố trí tại đô thị hạt nhân (thủ đô) hay có thể bố trí trong phạm vi các tỉnh thuộc vùng thủ đô.


Khu biệt thự dành cho các nguyên thủ quốc gia trong cạnh Trung tâm hội nghị quốc gia (Ảnh: Uyển Nhi)

Các quy định về xây dựng không quy định cụ thể khi xây dựng các công trình theo quy hoạch tại thủ đô thì có gì khác với khi xây dựng tại thành phố trực thuộc Trung ương, chẳng hạn như quản lý chất thải rắn liên vùng, liên đô thị. Luật Xây dựng chưa có quy định về tổ chức quản lý vùng thủ đô và vùng liên tỉnh (kể cả Luật Tổ chức UBND và HĐND).

Trong Quyết định số 490/QĐ-TTg (2008) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi lập quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thủ đô Hà Nội và 7 tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hoà Bình với diện tích tự nhiên khoảng 13.436 km2. Theo đó, mô hình tổ chức thực hiện gồm hai phần. Một mặt, Ban Chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô Hà Nội chỉ đạo công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng, chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cấp vùng; xây dựng cơ chế, giải pháp đặc thù tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Mặt khác, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ mô hình quản lý phát triển vùng.


Khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp do Vglacera – Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư tại Đặng Xá – Gia Lâm (Ảnh: Hải Đăng)

Quyết định số 1259/QĐ-TTg (2011) phê duyệt QHCXD thủ đô Hà Nội Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội: Một là phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức công bố công khai, lưu trữ hồ sơ đồ án theo quy định. Hai là chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành lập các đồ án quy hoạch ngành phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ba là tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy hoạch trong các đồ án quy hoạch và quy định quản lý liên quan đã ban hành phù hợp với Quy hoạch quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt... Đồng thời Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng kiểm tra việc thực hiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội được duyệt, Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội theo quy định chức năng, nhiệm vụ, và chủ trì tổ chức thực hiện điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội.

Thành phố Hà Nội có 29 đơn vị hành chính cấp huyện, đó là 10 quận nội thành (đô thị hạt nhân) và ngoại thành. Ở ngoại thành lại có thị xã Sơn Tây (đô thị loại III) và 18 huyện. Mỗi huyện có một thị trấn huyện lỵ (18 thị trấn huyện lỵ là 18 đô thị loại V) và có thể có thị trấn khác thuộc huyện (thị trấn Phú Minh huyện Phú Xuyên). Vì vậy cũng có quan điểm cho rằng nội thành Hà Nội (đô thị hạt nhân), thị xã Sơn Tây và 19 thị trấn cũng là một chùm hoặc một vùng đô thị, vùng thủ đô.

Ngoài những tồn tại nêu trên, trong các văn bản luật và dưới luật đều chưa có định nghĩa, giải thích từ ngữ thế nào là thủ đô, vùng thủ đô. Vì vậy chưa thấy rõ ngoài những nội dung, tính chất của một đô thị cấp tỉnh (thành phố Hà Nội) thì có gì khác vì là thủ đô quốc gia, và công tác quy hoạch đô thị cũng như quản lý xây dựng đô thị có điểm gì đặc biệt. Tương tự, cũng không có những quy định cụ thể về việc quản lý, quy hoạch vùng thủ đô.

Cần luật hóa thủ đô và vùng thủ đô trong Luật Thủ đô và Luật Đô thị


Phố Tràng Tiền về đêm (Ảnh: Sơn Tùng)


Cung văn hóa hữu nghị – nơi giao lưu văn hóa của những người lao động Thủ đô (Ảnh: Thu Hiền)

Hiện có hai luật đang được soạn thảo là Luật Thủ đô và Luật Đô thị. Thành phố Hà Nội cũng là 1 đô thị (thành phố loại đặc biệt, thành phố trực thuộc TW), vì thế cũng là một đối tượng của Luật Đô thị.

Đang tồn tại hai quan điểm về vấn đề soạn thảo Luật Đô thị và Luật Thủ đô. Theo quan điểm thứ nhất, hai luật này nên xây dựng riêng biệt (như đang thực hiện). Tuy nhiên do có mối quan hệ mật thiết nên cần có sự quan tâm, phối hợp giữa hai cơ quan soạn thảo để khi Quốc hội thông qua không có sự mâu thuẫn hoặc chồng chéo. Quan điểm thứ hai cho rằng Luật Thủ đô nên là một chương hoặc một phần của Luật Đô thị để có sự thống nhất cao giữa đô thị nói chung và đô thị là thủ đô nói riêng.

Để xây dựng luật riêng biệt cho Thủ đô, trước hết cần xác định rõ tính chất đặc thù của Thủ đô so với các đô thị khác trực thuộc TW, và của vùng thủ đô so với các vùng liên tỉnh khác, từ đó đưa ra các quy định riêng về tổ chức quy hoạch, quản lý nếu cần. Cũng cần phân biệt rõ vị trí, chức năng, thẩm quyền của khu vực trung tâm thủ đô quốc gia và trung tâm đô thị Hà Nội.

Trong quá trình dự thảo Luật Thủ đô hiện nay chưa thấy nêu về lộ trình và mối quan hệ giữa Luật Thủ đô và Luật Đô thị. Vì thế cần được xem xét, bổ sung điều khoản về mối quan hệ giữa hai luật này, sự thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.


Đại lộ Thăng Long – tuyến đường huyết mạch mở ra một diện mạo Thủ đô mới (Ảnh: HH)

Ví dụ như tại Kazakhstan quy định “Pháp luật về chế định thủ đô được xây dựng trên nền của Hiến pháp CH Kazakhstan, bao gồm Luật Thủ đô và những văn bản quy phạm pháp luật khác…”. Còn tại Thổ Nhĩ Kì, quy định Luật Đô thị và các quy định tại các văn bản pháp luật liên quan không trái với Luật Thủ đô cũng được áp dụng với thủ đô, đô thị cấp quận và đô thị loại 1.

Trong Luật Thủ đô và Luật Đô thị cần có các nội dung: Định nghĩa hoặc giải thích từ ngữ về “thủ đô”, “vùng thủ đô”; các điều khoản về vị trí của các cơ quan TW thuộc trung tâm thủ đô quốc gia và các cơ quan địa phương thuộc thành phố Hà Nội; quy trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch của đô thị trực thuộc TW là thủ đô; quy trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh mà trong vùng đó có thành phố thủ đô là đô thị hạt nhân (vùng thủ đô); Sự khác biệt giữa vùng thủ đô gồm thành phố Hà Nội và 8 tỉnh lân cận và vùng thủ đô gồm đô thị hạt nhân (10 quận nội thành Hà Nội), thị xã Sơn Tây và 19 thị trấn lân cận.

Như vậy thủ đô và vùng thủ đô cần sớm được luật hóa và đồng bộ trong Luật Thủ đô và Luật Đô thị giai đoạn 2012-2013.

PGS. TS. Lưu Đức Hải
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam

theo baoxaydung

xaydung24.com sử dụng  phần mềm phát triển web trực tuyến của Hệ thống CIINS.
Bạn có thể thuê lại, mua từng phần hoặc mua trọn góixaydung24.com
   Liên hệ :nvsanguss@gmail.com  // 0982069958 ( Mr. sáng )

tin công nghệ | tin kinh tế | Tin xây dựng | máy lọc nước | sàn gỗ công nghiệp | sàn gỗ tự nhiên