Vì sao Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLQG) có Ban chỉ đạo Nhà nước xây dựng công trình? Vì sao BLTSQG lại có đến 2 chủ đầu tư, một là Bộ Xây dựng - chủ đầu tư dự án xây dựng Công trình Bảo tàng Lịch sử quốc gia, một còn lại là Bộ VH,TT&DL - Chủ quản lý sử dụng đồng thời là chủ đầu tư dự án thành phần (nội dung và hình thức trưng bày). PV Báo Xây dựng có được câu trả lời trong cuộc trò chuyện với KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị, Nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng, nguyên Chủ tịch Hồi đồng tuyển chọn phương án kiến trúc công trình BTLSQG.
Vì đầu tư xây dựng BTLSQG là việc quốc gia đại sự
Ông Chính lý giải: Bộ Xây dựng là cơ quanquản lý Nhà nước về xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn… Chỉ khi Nhà nước thấy việc gì thực sự cần thiết, việc quốc gia đại sự thì mới giao cho Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, vì Bộ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nói cách khác, Bộ Xây dựng có muốn làm chủ đầu tư cũng không được. Chính vì Chính phủ xác định việc đầu tư xây dựng công trình BTLSQG là việc quốc gia đại sự nên thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước và giao cho Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư xây dựng công trình (giống như trước đó, Chính phủ cũng từng giao Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia khác như Trung tâm hội nghị quốc gia, Nhà Quốc hội…), và Bộ VH,TT&DL - Chủ quản lý sử dụng đồng thời là chủ đầu tư dự án thành phần (nội dung và hình thức trưng bày).
Về chủ trương đầu tư xây dựng BTLSQG, theo ông Chính, không cần phải bàn nữa vì đây là chủ trương của Đảng và Nhà nước, đã được thai nghén từ lâu và đang từng bước được triển khai, hiện thực hóa.
Tuy nhiên, ông Chính cũng bày tỏ quan điểm: Đúng là Việt Namđã có không ít BT. Các địa phương và một số ngành đều có BT, thậm chí có cả BT của tư nhân nhưng vẫn thiếu một BT đầu hệ, đại diện cho cả quốc gia. Hơn nữa, các BT hiện nay đều chưa đáp ứng được yêu cầu, còn thiếu nhiều cơ sở vật chất để phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử. Việc xây dựng BTLSQG có ý nghĩa, mục đích rất lớn. BLTSQG là nơi lưu giữ, trưng bày, bảo quản hiện vật, là môi trường nghiên cứu, học tập cho chúng ta hôm nay và cho tương lai lâu dài hàng trăm năm sau…
“Đầu bài” thiết kế công trình do Bộ VH,TT&DL đưa ra
Ông Chính cho biết: Theo yêu cầu của Chính phủ và Ban chỉ đạo Nhà nước xây dựng BTLSQG, Bộ VH,TT&DL xây dựng nhiệm vụ thiết kế. Là cơ quan quản lý nhà nước, có kiến thức chuyên ngành về BT nên Bộ VH,TT&DL hiểu rất rõ công năng, quy trình vận hành… của một BT. Diện tích trưng bày trong và ngoài trời cần bao nhiêu, kho bảo quản hiện vật cần phải bảo đảm những yếu tố gì? BT hiện đại cần những không gian công năng nào?... Bộ sẽ đưa ra “đầu bài” là chuẩn nhất. Còn nhớ, những người làm văn hóa, những nhà chuyên môn về di sản danh tiếng như Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Lưu Trần Tiêu… cũng đã được Bộ VH,TT&DL mời góp ý xây dựng nhiệm vụ thiết kế.
Tháng 9/2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng công trình BTLSQG. Trên sở này, Bộ Xây dựng kết hợp với Bộ VH,TT&DL tổ chức thi tuyển các phương án kiến trúc công trình.
Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc có sự tham gia của các KTS quốc tế uy tín
Ông Chính khẳng định: Việc tuyển chọn phương án kiến trúc công trình BTLSQG đã được thực hiện rất bài bản.
Trước tiên, nhiệm vụ thiết kế và quy chế cuộc thi được đưa lên các phương tiện truyền thông đăng tải rộng rãi để mọi người hiểu rõ đầu bài. Kết quả đã có 18 phương án (PA) gửi về dự tuyển chọn, trong đó chủ yếu là phương án của các tổ chức tư vấn nước ngoài, tổ chức tư vấn liên danh Việt Nam và nước ngoài. Các phương án của tư vấn trong nước không nhiều. Bộ Xây dựng đã thành lập Hội đồng tuyền chọn gồm 11 thành viên và giao cho ông Chính khi đó là Thứ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch hội đồng. Các thành viên còn lại, 5 người là những chuyên gia đầu ngành và đang nắm các trọng trách của ngành văn hóa, lịch sử, bảo tồn, bảo tàng và kiến trúc công trình của Việt Nam, 5 người nữa là các chuyên gia quốc tế chuyên ngành về công trình bảo tàng đến từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc.
Ông Chính nhấn mạnh: “Các chuyên gia quốc tế đều là những nhân vật lỗi lạc ở các nước, có kinh nghiệm làm nghề, được Hiệp hội KTS thế giới (IUA) giới thiệu chứ không phải chúng tôi muốn mời ai cũng được”.
Cuộc thi diễn ra rất nhgiêm túc, Hội đồng tuyển chọn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và đã chọn được được 2 phương án loại A của tư vấn Nhật Bản và CHLB Đức, 4 phương án đạt giải khuyến khích. Sau đó, Bộ Xây dựng tiếp tục mang các phương án triển lãm tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM nhằm lấy ý kiến đóng góp của đông đảo quần chúng nhân dân. Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo quốc gia nhằm lấy ý đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học. Điều đáng mừng là phương án 2 đạt giải A cũng nhận được sự ủng hộ cao của các đối tượng nói trên. 2 phương án đạt giải A tiếp tục được chỉnh sửa, nâng cấp theo những ý kiến đóng góp của Hội đồng, giới chuyên môn, của các Bộ ngành chức năng. Sau khi báo cáo phương án kiến trúc trước các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn phương án của tư vấn Nikken Sekkei (Nhật Bản). Đầu năm 2010, được sự ủy quyền của Bộ Xây dựng, BQLDA Đầu tư Xây dựng BTLSQG đã chính thức ký hợp đồng tư vấn lập dự án đầu tư xây dựng và thiết kế BTLSQG với Cty Nikken Sekkei.
Kinh tế khó khăn nhưng vẫn có cách để làm
Giờ đây nhắc lại thời điểm tổ chức tuyển chọn phương án kiến trúc BTLSQG, ông Trần Ngọc Chính cảm thấy vinh dự được tham gia vào công việc hệ trọng của đất nước. Ông cũng tâm đắc nói về việc lựa chọn địa điểm xây dựng BT do UBND TP Hà Nội giới thiệu:Công trình nằm trên trục Tây Hồ Tây - trục văn hóa, thương mại, lịch sử, văn hóa quan trọng của thủ đô và là điểm nhấn kết thúc của trục. Công trình nằm cạnh công viên Hòa Bình và là một phần của công viên Hữu Nghị (rộng 28ha, trong đó bao gồm 10ha xây dựng BT). Chính vì vậy, trong tư tưởng của các nhà quy hoạch, việc nghiên cứu xây dựng BTLSQG được đặt trong tổng thể cây xanh, mặt nước của cả công viên 28ha. Điều này tạo nên vị thế đặc biệt của công trình. “Hiếm nước nào có một BT quốc gia nằm trong một công viên và công viên đó được kết hợp trong trục văn hóa quan trọng của thủ đô” – Ông Chính nói. Quy mô, tầm vóc của công trình được nâng lên, phù hợp với tương lai lâu dài.
Ông Chính chia sẻ: Nếu không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thì có lẽ dự án đã được triển khai với kinh phí rẻ hơn và đã xong, vì lúc đầu công trình dự kiến được khánh thành vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Nhưng vì chưa làm nên bây giờ mới trình thẩm định dự án.
Thời gian qua, khi Bộ Xây dựng trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng BTLSQG, trong xã hội xuất hiện nhiều luống ý kiến khác nhau. Theo quan điểm của ông Chính, những ý kiến đóng góp đó rất có trách nhiệm với xã hội, rất đáng trân trọng nhưng cũng cần phải hiểu cả quá trình và các vấn đề mà những người đảm nhiệm nhiệm vụ đầu tư xây dựng BTLSQG đang tiến hành. Hiện nay chúng ta mới trình thẩm định dự án. Đó là việc cần phải làm. Còn Chính phủ vẫn chưa quyết định việc xây dựng công trình vào thời gian nào, tổng mức đầu tư bao nhiêu? Việc xây dựng BT không chỉ là xây dựng một cái “vỏ”, mà còn biết bao nhiêu thứ, trình bày thế nào, đưa hiện vật vào ra sao là cả một quá trình mà ngành văn hóa và bảo tàng sẽ phải nỗ lực rất nhiều, chứ không hề đơn giản.
“BTLSQG là niềm kiêu hãnh của một dân tộc, một quốc gia về sự phát triển, về lịch sử của đất nước đó. Không phải chờ đến lúc giàu chúng ta mới xây dựng BTLSQG, còn bây giờ tập trung cho những thứ khác. Nên nhớ rằng tất cả mọi thứ phải đi song song với nhau. Văn hóa, nghệ thuật, đời sống, chính trị, an ninh quốc phòng, no ấm… phải đi chung với nhau. Việc đầu tư xây dựng BTLSQG là cho con cháu mai sau chứ không phải cho cá nhân, tổ chức nào. Biết là nền kinh tế khó khăn nhưng chúng ta cũng phải có bài toán để làm, chứ không phải đợi đến khi no đủ mới tính làm.
Ông Chính cho biết: Khi xây dựng Trung tâm hội nghị quốc gia, cũng có nhiều luồng ý kiến: Sao xây dựng đồ sộ thế, sao lãng phí thế? Số tiền đó sao không để xây thêm nhiều bệnh viện, trường học…? Nhưng nếu lúc đó không xây dựng, thì Việt Nam không thể tổ chức được APEC và không có một công trình tầm vóc như hôm nay. Công trình không chỉ là nơi họp, mà còn là bộ mặt, thể diện của quốc gia. BTLSQG cũng thế thôi, sẽ là một niềm kiêu hãnh, là công trình để đời của một dân tộc. Công trình thể hiện sự văn minh, quá trình phát triển, khát vọng của một quốc gia. BT là một cuốn từ điển nói lên tất cả mọi thứ.
theo baoxaydung
Hotline:0982069958 - xaydungducthinh@gmail.com
xaydung24.com sử dụng phần mềm phát triển web trực tuyến của Hệ thống CIINS.
Bạn có thể thuê lại, mua từng phần hoặc mua trọn góixaydung24.com
Liên hệ :nvsanguss@gmail.com // 0982069958 ( Mr. sáng )
tin công nghệ | tin kinh tế | Tin xây dựng | máy lọc nước | sàn gỗ công nghiệp | sàn gỗ tự nhiên |