Những năm gần đây, Quảng Ninh đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ trong thực tiễn của Quảng Ninh là gắn phát triển kinh tế - xã hội với việc xây dựng quy hoạch.
Những thành tựu trong đổi mới
Trong năm năm trở lại đây, kinh tế - xã hội của Quảng Ninh tiếp tục phát triển ở mức cao và ổn định; công nghiệp duy trì được nhịp độ phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp trung bình đạt 17%/năm, trong đó ngành than chiếm tỷ trọng cao trong công nghiệp với sản lượng khai thác, tiêu thụ than hằng năm đều tăng: năm 2004 là 24 triệu tấn, năm 2005 đạt 30 triệu tấn, năm 2006 đạt 39 triệu tấn, năm 2007 đạt 42,8 triệu tấn, 9 tháng đầu năm 2008 là 30,1 triệu tấn. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung đã có sự phát triển ổn định. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào việc nâng cao chất lượng phát triển và sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa ngành nghề, tăng tỷ trọng công nghiệp dịch vụ, giảm sản xuất thuần nông. Hoạt động dịch vụ phát triển đa dạng và giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ mỗi năm đạt khoảng 20%. Hoạt động đầu tư ngày càng được mở rộng, huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Hàng loạt các công trình, dự án trọng điểm về điện, xi-măng, các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông... đã và đang được đầu tư xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ðến hết tháng 9-2008, toàn tỉnh còn 107 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực pháp lý với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.220 triệu USD, trong đó vốn thực hiện đạt 475 triệu USD. Tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Ninh năm 2005 là 10,62% đến nay giảm xuống còn 5,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 1.000 USD/năm.
Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn
Một trong những yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh là xây dựng quy hoạch phù hợp. Năm 2005, Quảng Ninh xây dựng: Ðề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng trên cơ sở phát huy mạnh mẽ tiềm năng nội lực và ngoại lực; đồng thời xác định các mục tiêu phát triển và định hướng quy hoạch các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư phát triển đến năm 2020.
Trước đây, vấn đề xây dựng Vân Ðồn trở thành khu kinh tế, khu vực đầm Nhà Mạc ở huyện Yên Hưng và huyện Hải Hà trở thành khu công nghiệp... chưa được đề cập thì nay đã trở thành hiện thực bởi quy hoạch được xây dựng với tầm nhìn xa hơn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch gồm cả quy hoạch chung về kinh tế - xã hội lẫn quy hoạch từng lĩnh vực cụ thể như xây dựng, đất đai, vùng, địa phương, cơ sở hạ tầng... Theo đó, Quảng Ninh xác định phát triển mạnh ngành công nghiệp vốn có nhiều lợi thế như cơ khí chế tạo, lắp ráp ô-tô, đóng tàu thủy phục vụ cho các ngành kinh tế than, điện, xi-măng, thủy sản và hàng tiêu dùng; tiếp tục quy hoạch các khu du lịch chất lượng cao, chú trọng đến du lịch sinh thái gắn với nuôi trồng, chế biến hải sản sạch. Trong tương lai, Quảng Ninh sẽ có một sân bay quốc tế tầm cỡ tại huyện Vân Ðồn. Bên cạnh những dự án về điện, xi-măng đã được xây dựng, hàng loạt các dự án, công trình trọng điểm như cảng nước sâu ở huyện Hải Hà, Hạ Long, Cẩm Phả, Yên Hưng sẽ được bổ sung đầu tư xây dựng; tuyến đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái, đường giao thông ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thanh Hóa, tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái nối với Ðồng Ðăng (Lạng Sơn)... sẽ mở ra hướng phát triển mạnh mẽ với các tỉnh vùng đồng bằng ven biển sông Hồng và là cầu nối giữa Quảng Ninh với khu vực kinh tế ASEAN và Trung Quốc. Trong quy hoạch về không gian kinh tế đã xác định rõ: Móng Cái được đầu tư nâng cấp lên thành phố cửa khẩu quốc tế quan trọng trong vành đai kinh tế ven biển Quảng Tây - Móng Cái - Hạ Long - Ðồ Sơn, là đầu mối trong quan hệ kinh tế đối ngoại và xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Giải quyết tốt những mâu thuẫn phát sinh giữa phát triển với quy hoạch để có được những định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội chính là thành công và cũng là bài học kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn của Quảng Ninh trong những năm đổi mới. Ðây cũng là tiền đề để Quảng Ninh tiếp tục phát triển, xứng đáng là địa bàn động lực phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
xaydung24.com sử dụng phần mềm phát triển web trực tuyến của Hệ thống CIINS. Bạn có thể thuê lại, mua từng phần hoặc mua trọn góixaydung24.com Liên hệ :nvsanguss@gmail.com // 0982069958 ( Mr. sáng )