Với kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời, Hội quán Ôn Lăng (chùa Quan Âm) được coi là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất của người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây đã thu hút được sự chú ý của du khách trong và ngoài nước, là nơi giao lưu văn hóa của cộng đồng Việt - Hoa.
Cuối thế kỷ 17, một số thương nhân người Hoa nhóm ngôn ngữ Phúc Kiến di cư sang Việt Nam và định cư tại khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuộc sống của họ ban đầu gặp nhiều khó khăn nhưng dần dần ổn định. Vì muốn được quan tâm giúp đỡ lẫn nhau và thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, đồng hương Trung Quốc nên họ góp sức xây dựng Hội quán Ôn Lăng để thờ cúng Thiên hậu Thánh mẫu. Sau này thờ cúng thêm bà Quan thế âm bồ tát nên người ta quen gọi là chùa Quan Âm. Chùa Quan Âm trở thành nơi gặp gỡ, giúp đỡ lẫn nhau của những người đồng hương quê quán Phúc Kiến và cũng là nơi thờ cúng các vị thần linh dân gian Trung Hoa.
Theo lịch sử, Hội quán Ôn Lăng được xây dựng vào năm 1740 (năm Càn Long đời Thanh) trên khuôn viên 1.800m2, kiến trúc theo kiểu đền miếu cổ Trung Hoa với bộ khung chịu lực bằng gỗ, mái ngói lợp ống, chân mái được viền bằng ngói xanh rất đặc trưng của kiến trúc cổ Trung Hoa. Đặc biệt nhất là cách tạo hình và trang trí mái ngói mang đậm nét phong cách của người Phúc Kiến, với những bờ nóc uốn cong gắn với các mô hình tòa thành bằng gốm sứ hết sức công phu, tinh tế, có giá trị lịch sử văn hóa cao, nhất là về giá trị nghệ thuật.
Mặt bằng tổng thể hội quán theo nhà hình chữ nhật, ở giữa bao gồm tiền điện, trung điện và chính điện, dãy nhà ngang là hậu điện. Tiền sảnh có 3 cửa vào tiền điện, hai bên ngưỡng cửa chính là cặp sư tử đá chầu trên bệ mang từ Trung Quốc sang. Trên vách mặt tiền có hai bức phù điêu bằng gỗ chạm bông thếp vàng và phù điêu đắp nổi tứ đại kim cương. Phần kiến trúc dưới mái hiên cũng được trang trí rất công phu bằng các hình bông sen chan ngược, tượng các kỳ lân bằng gỗ gắn trên các thanh ngang, các dây hoa chạm trổ tinh xảo. Hội quán còn lưu giữ nhiều cổ vật rất có giá trị. Hội quán có rất nhiều hoành phi và câu đối với nội dung ca ngợi thần ân đồng thời gởi gắm dân ý. Câu đối và hoa văn kết hợp một cách hài hòa càng làm nổi bật giá trị nhân văn của công trình nghệ thuật.
Qua 200 năm tồn tại, Hội quán Ôn Lăng bao hàm nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa. Nổi bật nhất vẫn là giá trị kiến trúc nghệ thuật với phong cách xây dựng chùa miếu cổ xưa độc đáo của người Hoa, góp phần quan trọng tạo nên cảnh quan đặc biệt cho khu phố cổ Chợ Lớn. Hội quán Ôn Lăng không chỉ là sự thể hiện giao lưu văn hóa Hoa - Việt mà còn có quan hệ gắn bó mật thiết với cộng đồng người Hoa quê quán Phúc Kiến đã di cư sang Việt Nam, cùng với các tầng lớp nhân dân của các dân tộc Việt Nam góp sức xây dựng thành phố Hồ Chí Minh ngày nay có nền văn hóa tiến bộ, một xã hội kinh tế phồn vinh, hưng thịnh. Tháng 12/2002, Bộ Văn hóa -Thông tin ra quyết định công nhận Hội quán Ôn Lăng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây là bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử rất lớn, góp phần bảo vệ Hội quán Ôn Lăng ngày càng có giá trị nghệ thuật lâu đời.
Với những kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời của mình, Hội quán Ôn Lăng đã tạo cho du khách khi đến tham quan một sự huyền bí và quyến rũ lạ thường.
(Theo Bình Dương)
Hotline:0982069958 - xaydungducthinh@gmail.com
xaydung24.com sử dụng phần mềm phát triển web trực tuyến của Hệ thống CIINS.
Bạn có thể thuê lại, mua từng phần hoặc mua trọn góixaydung24.com
Liên hệ :nvsanguss@gmail.com // 0982069958 ( Mr. sáng )
tin công nghệ | tin kinh tế | Tin xây dựng | máy lọc nước | sàn gỗ công nghiệp | sàn gỗ tự nhiên |