Bên cạnh Phật giáo và Thiên Chúa giáo, đạo thánh Cao Đài là tôn giáo thu hút được khá nhiều phật tử ở Việt Nam. Lần này, về thăm thủ phủ đạo thánh Cao Đài ở Tây Ninh, chúng tôi không khỏi trầm trồ thán phục những công trình kiến trúc cũng như nét văn hóa đặc sắc của tỉnh miền Tây Nam bộ này mà độc đáo có lẽ là Tòa thánh Cao Đài nằm ở ngay trung tâm thành phố Tây Ninh.
Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh
Mặc dù có xuất phát chậm, mới chỉ ra đời cách đây khoảng gần 100 năm nay nhưng đạo thánh Cao Đài ở Tây Ninh đã góp một nét văn hóa đặc sắc nơi đây cũng như nhiều cư dân khác vùng Nam bộ. Không riêng gì thành phố mà ở các huyện như Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành... chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những tòa thành có kiến trúc và hoa văn sặc sỡ, đặc trưng của kiến trúc Cao Đài. Tuy nhiên, tinh túy và hoành tráng nhất vẫn chính là Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh như đã nói ở trên. Nằm trên khuôn viên rộng tới hơn 100 ha, Tòa thánh Cao Đài được bắt đầu xây dựng từ đầu thế kỷ 20, và đến giờ vẫn tiếp tục hoàn thiện hơn nữa. Theo thống kê, trong khuôn viên tòa thánh địa này hiện nay có khoảng 95 công trình lớn nhỏ đều mang lối kiến trúc xây dựng độc đáo. Chính điện là một tòa thành rộng lớn có 12 cửa lớn mở ra tất cả các hướng đón ánh sáng mặt trời và linh khí thần linh. Được khai đạo tại Tây Ninh ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần (tức ngày 19-11-1926) đến nay giáo phái này có khoảng hơn 1 triệu tín đồ, chức sắc và chủ yếu là tu tại gia. Các tín đồ của đạo giáo Cao Đài tin ở con người, trời đất, thần thánh, tiên phật... bởi nó là sự pha trộn, chắt lọc của nhiều loại tư tưởng như đạo Phật, đạo Giáo, đạo Nho...
Nắng lên cao, chúng tôi tới Tòa thánh Cao Đài khi các tín đồ chuẩn bị lễ vật cúng trưa. Đây là lễ cúng giờ chính Ngọ thường xuyên mỗi ngày của các tín đồ. Một không gian thoáng mát, nhẹ nhõm thanh cao khi đắm mình nơi miền đất thánh nơi đây. Dõi tầm mắt xa xa, những vườn cây và khuôn viên rộng lớn xen kẽ những tòa nhà thờ có nóc nhọn cao vút như một nét chấm phá diệu kỳ của đất trời Tây Ninh. Những hình trang trí họa tiết tuy cầu kỳ nhưng luôn ẩn chứa thể hiện những triết lý sống và nhân sinh quan sâu sắc. Bất giác tôi thấy rằng, đạo nào trên cõi đời này cũng đầy tính nhân văn và triết lý yêu thương con người sâu sắc. Ở nơi đất thánh, may mắn tôi thấy được lẽ đời, thấy được tình yêu giữa chúng sinh muôn loài. Có lẽ, đó chính là ý niệm và mục đích cao cả nhất của đạo thánh Cao Đài mà người xưa đã dày công sáng tạo chăng? Theo lời ông Năm Thiện, một tín đồ sống và làm việc ở tòa thánh này gần 20 năm giới thiệu thì "Tòa tháp chính này là một tòa nhà bề thế có 3 tầng, mặt tiền là hướng Tây nơi chúng ta đang đứng, sừng sững uy nghi giữa 2 tòa tháp khác cao gần 30 mét được thiết kế làm lầu chuông ở bên trái và bên phải. Tòa thánh đường này rộng 22 mét, dài 99 mét được chia thành 3 không gian gọi là: Hiệp thiên đài, Cửu trùng đài và Bát quái đài. Trần làm bằng mái bê tông giả ngói có hoa văn màu sắc rất đẹp, mỗi bên phân thành 3 cấp tượng trưng cho mô hình tổ chức của đạo giáo Cao Đài. Dọc theo hành lang và bên trong của tòa nhà là 164 cây cột tròn trang hoàng lộng lẫy có nhiều hình rồng đắp nổi bắt mắt rất công phu. Mái vòm là hình ảnh một bầu trời thu nhỏ với muôn ngàn vì tinh tú lung linh huyền ảo”. Đi trong tòa thánh, du khách còn được nghe tín đồ giảng về thuyết ngũ hành nhân quả du khách mới thấu hiểu thêm nhiều đạo lý và biến chuyển của đất trời tạo hóa. Qua đó hiểu và trân trọng hơn những con người của vùng đất thánh Cao Đài này.
Cúng lễ trong thánh đường
Khi dạo quanh tòa thánh và thỏa sức chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo của đạo Cao Đài, có lẽ tôi ấn tượng nhất chính là con mắt Thiên nhãn. Đây là triết lý của đạo thánh Cao Đài với quan niệm, tất cả mọi vật trong chúng sinh chỉ có thể sáng suốt và nhìn thấu lẽ tự nhiên ở một con mắt duy nhất. Và đấng trời tối thượng quyền lực cũng chỉ soi sáng nhân gian bằng chính một con mắt Thiên nhãn này.
Ngoài con mắt Thiên nhãn ở giữa quả cầu tròn nơi chính điện, du khách đến tòa thành cũng phải trầm trồ thán phục và dành một khoảng lặng để ngắm nhìn, cúi đầu trước 3 bức tượng của 3 người có công lớn sáng lập ra đạo thánh Cao Đài là Hộ pháp Phạm Công Tắc, Thượng phẩm Cao Quỳnh Như và Thượng sanh Cao Hoài Sang.
Tìm hiểu thêm về đạo thánh Cao Đài, chúng tôi được biết: Trong giáo hội Cao Đài gồm có chức sắc, chức việc và tín đồ. Tất cả đều mặc đồng phục màu trắng thể hiện thanh bạch. Riêng các chức sắc thì có các màu áo khác nhau ứng với mỗi cấp bậc khác. Thái thượng đạo Phật dùng màu vàng, thượng thuộc đạo Lão dùng màu xanh, ngọc thuộc Nho đạo chuyên mặc màu đỏ. Đây có thể coi là sự kết hợp bởi nguồn gốc đạo thánh Cao Đài cũng bắt nguồn từ ba đạo trên. Theo đó các tín đồ Cao Đài thờ Đức Chí Tôn cùng các vị giáo chủ, tam thánh đứng đầu tam giáo là Phật, Lão, Nho cùng ngũ chi thống 5 ngành đạo là nhân đạo-Khổng Tử, thần đạo-Khương Thái Công, thánh đạo-Giêsu, tiên đạo- Lão Tử, phật đạo- Thích Ca Mầu Ni. Tổng quan, đạo thánh Cao Đài là trung tâm, đỉnh cao và tập hợp của tất cả các đạo kể trên.
Kiến trúc trong Tòa thánh
Để các tín đồ giáo dân sống an lành hòa thuận thì tất cả huynh tỷ thường xuyên gặp nhau ở thánh đường cầu lạy và dâng lễ. Sau đó mọi người cùng nhau kết chặt tình đồng đạo, xóa bỏ hiểm khích, chăm lo cho cuộc sống chung. Theo các cán bộ địa phương thì hầu hết mọi người dân ở Tây Ninh đều theo đạo thánh Cao Đài và các cụm dân cư có nhiều người theo đạo Cao Đài cũng thường xuyên giúp đỡ nhau về kinh tế và kinh nghiệm sản xuất cũng như xóa đói giam nghèo, đảm bảo an ninh an toàn trật tự xã hội.
Những ngày ở Tây Ninh, chúng tôi phát hiện rằng không chỉ ở tòa thánh này mới có những nét kiến trúc độc đạo như nói ở trên mà hầu như đâu đâu cũng thấy. Từ các huyện miền núi cho đến các huyện giáp ranh nước bạn Campuchia cũng có rất nhiều các tín đồ và tòa thánh nhưng quy mô nhỏ hơn. Vì có rất đông tín đồ lại có sự đồng thuận nhất trí lớn nên hàng năm, vào các ngày lễ hội của đạo thánh, khắp nơi ở Tây Ninh người dân nô nức đón chào. Đó là hai ngày mùng 8 tháng Giêng, ngày vía Đức Chí Tôn và lễ hội Diêu Trì Thánh Mẫu đêm rằm tháng Tám âm lịch. Khi đó, không chỉ riêng người dân Tây Ninh và nhiều tín đồ ở các tỉnh miền Tây Nam bộ cũng hành hương về đây, về nơi ra đời, về vùng đất thánh này để tận hưởng không khí lễ hội cũng như tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng. Sau đó là các nghi lễ cũng bái, cầu kinh dâng hưởng tưởng nhớ cùng vô vàn các trò chơi dân gian nơi đây thu hút hàng ngàn người tham gia.
ĐOÀN ĐẠI TRÍ
(Theo baomoi)
Hotline:0982069958 - xaydungducthinh@gmail.com
xaydung24.com sử dụng phần mềm phát triển web trực tuyến của Hệ thống CIINS.
Bạn có thể thuê lại, mua từng phần hoặc mua trọn góixaydung24.com
Liên hệ :nvsanguss@gmail.com // 0982069958 ( Mr. sáng )
tin công nghệ | tin kinh tế | Tin xây dựng | máy lọc nước | sàn gỗ công nghiệp | sàn gỗ tự nhiên |